Chuyển đổi số – Giải pháp cho ngành F&B vượt qua đại dịch COVID-19

Mặc dù ngành F&B đang trong quá trình phát triển mạnh mẽ nhưng tác động của dịch bệnh COVID-19 khiến các doanh nghiệp phải trải qua những ngày tháng khó khăn bởi cú sốc kinh tế nặng nề. Nhiều doanh nghiệp rơi vào trạng thái “ngủ đông” tạm ngừng cung cấp dịch vụ hoặc chỉ duy trì ở mức 20% hoạt động, giảm thiểu tối đa chi phí mặt bằng và nhân lực; thậm chí không ít doanh nghiệp phải đóng cửa. 

Đại dịch COVID-19 cho các doanh nghiệp F&B một bài học đắt giá về định hướng, tầm nhìn và kế hoạch dài hạn trong kinh doanh. Đây cũng là cơ hội để đánh giá và tối ưu chiến lược, đặc biệt là chiến lược công nghệ. Xu hướng chuyển đổi số đã mang đến những đổi mới, thay đổi diện mạo ngành.

Chuyển đổi số – Xu hướng phát triển ngành F&B trong mùa dịch COVID-19

Trước khi dịch bệnh bùng phát, đa phần các nhà hàng, quán cafe đi theo hướng đẩy mạnh phát triển offline, mở rộng quy mô với nhiều cơ sở, đồng thời chưa chú trọng nhiều đến các nền tảng bán hàng online. Tuy nhiên, với tình hình dịch bệnh ngày càng lan rộng và rất khó kiểm soát, cả nước bước vào giai đoạn giãn cách xã hội, cách làm này đã để lộ ra nhược điểm lớn khiến nhiều chủ quán lao đao. Doanh thu từ nguồn offline không còn, trong khi chi phí thuê mặt bằng, nhân viên trở thành gánh nặng lớn. Điều này khiến các nhà hàng, quán cafe lâm vào tình cảnh trớ trêu, thậm chí phải ngừng hoạt động kinh doanh của mình. 

Trong bối cảnh này, các nhà hàng, quán cafe cần nhìn nhận lại những vấn đề, thiếu sót của mình để đưa ra định hướng phát triển bền vững trong dài hạn. Thay đổi chiến lược kinh doanh là điều cần thiết hơn bao giờ hết. Không ít doanh nghiệp trong ngành F&B quyết đoán chuyển dịch hoạt động kinh doanh từ offline tại các cửa hàng sang kinh doanh online.

Dịch chuyển thói quen ăn uống tại cửa hàng sang ăn uống tại nhà

Xu hướng chuyển đổi số, phát triển các nền tảng online là xu thế tất yếu tại thị trường Việt Nam. Đại dịch COVID-19 như chất xúc tác khiến quá trình này diễn ra nhanh hơn, toàn diện hơn. Nhiều chuỗi cửa hàng đã sử dụng hệ thống gọi món tự động bằng Tabletop, tương tác trực tiếp với khách hàng bằng Chatbot, hệ thống đặt bàn tự động tại Google Booking, Opentable,…

Các nhà hàng, quán cafe phải làm mọi cách để tối ưu hóa chi phí mặt bằng, chi phí nhân sự, đồng thời nâng cao hiệu quả vận hành và kết hợp với các nền tảng số để tăng cường doanh thu. Không phải chỉ đến khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát thì cuộc đua bán hàng online mới nở rộ. Kể từ khi các nền tảng đặt đồ ăn như Now, GrabFood, Baemin,… xuất hiện rầm rộ thì giao hàng online trở thành một phần quan trọng. 

Xu hướng người tiêu dùng có nhiều thay đổi và chuyển dịch từ offline sang online. Họ dành thời gian ở nhà để đảm bảo an toàn dịch bệnh, làm việc tại nhà, truyền thông trực tuyến,… để tránh nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng khi tụ tập tại những hàng quán đông người. Tuy nhiên với nền tảng bán hàng này chủ quán cũng phải đối mặt với nhiều thách thức như làm thế nào để đảm bảo chất lượng đồ uống, hạn chế tan đá khi giao đến tay khách hàng, đồ uống nào nên đưa vào menu bán hàng online, đồ uống nào không thể? Nên ưu tiên khách hàng mua trực tiếp tại quán hay các đơn hàng online?,….

Để tồn tại trong mùa dịch, nhiều chủ nhà hàng phải xoay sở sang phương án phục vụ tại nhà, với cuộc đua bán hàng online để phục vụ người dùng, đồng thời đóng cửa khá nhiều nhà hàng để cắt giảm tối đa thiệt hại cho doanh nghiệp.

Ứng dụng công nghệ trong kinh doanh

Dù chịu tác động nặng nề của dịch COVID-19, nhưng nhiều doanh nghiệp cho rằng đây chính là cú huých đẩy mạnh công cuộc chuyển đổi số. Các doanh nghiệp đã xây dựng và ứng dụng quy trình công nghệ hiện đại trong hoạt động sản xuất và quản lý trong khủng hoảng. Việc số hóa trong quá trình quản lý giúp doanh nghiệp kịp thời thu thập dữ liệu, thông tin để chủ động phân tích và đưa ra phương án khắc phục để đảm bảo an toàn sản xuất, thích nghi trong bối cảnh mới, giúp tiết kiệm thời gian, công sức và nguồn lực cho doanh nghiệp.

Menu điện tử là giải pháp đang được nhiều nhà hàng, quán cafe ứng dụng. Chắc hẳn mọi người đã quá quen với những cuốn menu bằng giấy/bìa cứng. Tuy nhiên, với sự xuất hiện của công nghệ dẫn đến sự ra đời tất yếu của menu điện tử, đặc biệt là trong giai đoạn dịch bệnh hoành hành như hiện nay. Menu điện tử có khả năng cập nhật nhanh và liên tục yêu cầu của khách hàng, đồng thời nếu có thêm món mới hay dịch vụ mới nhà hàng cũng không cần mất công chỉnh sửa và in ấn. Khách hàng có thể thể tự gọi món tại bàn bằng cách quét mã QR Code, hạn chế tiếp xúc gần giữa nhân viên và khách hàng trong quá trình gọi món, thanh toán khiến dịch bệnh dễ lây lan. Gia tăng trải nghiệm của thực khách và giúp họ an tâm hơn khi sử dụng dịch vụ tại quán. Đồng thời, loại bỏ menu giấy ngăn nguy cơ lây lan virus, thực khách có thể trực tiếp xem menu dễ dàng trên smartphone cá nhân. Menu điện tử thay thế các tác vụ thông thường của một nhân viên như giới thiệu món, đặt món, thanh toán,… Từ đó doanh nghiệp có thể tối ưu và cắt giảm chi phí nhân sự, đặc biệt trong giai đoạn dịch bệnh như hiện nay.

Giao dịch thương mại điện tử trở nên phổ biến hơn

Do ảnh hưởng bởi các quy định cách ly xã hội và hạn chế tiếp xúc, người tiêu dùng đã dần quen thuộc hơn với việc mua sắm trực tuyến. Đây là cơ hội cho các doanh nghiệp thương mại điện tử, đồng thời là thách thức lớn đối với các doanh nghiệp truyền thống. “Thay đổi hay là chết?”, buộc phải chuyển đổi để nhanh chóng đưa sản phẩm đến người tiêu dùng. 

Trong đó phải kể đến, mô hình bán lẻ trực tuyến Buy Online Pick-up In Store tiện lợi, hạn chế tiếp xúc và giảm thiểu tiêu tốn thời gian cho việc chờ đợi của khách hàng. Trước hết, hình thức này giúp khách hàng tiết kiệm thời gian tối đa trong quá trình mua hàng, khách hàng chỉ cần tải app và đặt trước sản phẩm mong muốn, sau đó trực tiếp qua cửa hàng để lấy. Thay vì phải xếp hàng đông đúc, chờ đợi order và nhận đồ, khách hàng chỉ cần bỏ ra 2-3 phút để lấy đồ tại cửa hàng. Việc áp dụng hình thức thanh toán trực tuyến cũng hỗ trợ tối đa cho sự tiện ích. Khách hàng không cần phải sử dụng tiền mặt để thanh toán, hạn chế tiếp xúc gần với nhân viên cửa hàng, thay vào đó là sử dụng các ví điện tử và thẻ ngân hàng. 

Khách hàng sẽ được tự động gợi ý các cửa hàng gần nhất để tiện cho việc đi lại đồng thời kiểm soát được tình trạng đơn hàng của mình, nhận được thông báo trực tiếp khi đơn hàng đã chuẩn bị xong và sẵn sàng mang đi. Có thể nói, Pick-up là mô hình của tương lai, đáp ứng nhu cầu của khách hàng không chỉ trong mùa dịch COVID-19 mà còn bám sát hành vi của khách hàng trong xã hội công nghệ như hiện nay. 

Nắm bắt “thời điểm vàng” để chuyển đổi số

Đại dịch COVID-19 là cú huých đủ lớn để tạo nên bước ngoặt, là “thời điểm vàng” để các doanh nghiệp đẩy mạnh ứng dụng công nghệ và quyết tâm thực hiện chuyển đổi số. Một bức tranh ảm đạm của thị trường kinh tế nói chung và với thị trường F&B nói riêng là điều không thể tránh khỏi. Nhưng nhìn về tương lai lạc quan hơn, các doanh nghiệp vẫn có thể xoay chuyển tình thế hậu đại dịch COVID-19.

Khi hành vi mua hàng của người tiêu dùng thay đổi, buộc các doanh nghiệp F&B phải thay đổi để “sống sót” trong thời kỳ khủng hoảng. Chúng ta không thể phủ nhận tầm quan trọng của công nghệ đối với vận hành và quản trị doanh nghiệp. Dù chịu ảnh hưởng nặng nề nhưng nhìn chung ngành F&B vẫn sở hữu tiềm năng tăng trưởng mạnh mẽ những năm qua. Bởi vậy đây chính là “thời điểm vàng” để mỗi nhà quản lý nhìn nhận lại giá trị cốt lõi, lựa chọn hướng đi phù hợp để sẵn sàng cho sự trở lại và đột phá sau mùa dịch.

Với Bitrix24, những khó khăn trong việc kết nối của doanh nghiệp thời Covid không còn là trở ngại!

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *